Con đường lập nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mà cho dù
ra sao đi nữa thì cũng phải kiên trì, phải vững vàng. Tuyệt đối
không được bỏ cuộc, vì bỏ cuộc là thất bại.
Cuộc đời đàn ông vẫn luôn tồn tại một ngưỡng cửa mà ít người
vượt qua được. Đó là bốn chữ “tam thập nhi lập”. Câu nói ấy
nghĩa rằng con trai lớn trong nhà, 30 tuổi, bắt đầu nghiêm túc
xây dựng sự nghiệp.
30 tuổi là ngọn núi chia đôi dòng nước, chia đôi ngã rẽ của đời
người. Con người ở độ tuổi này về cơ bản đã có thể xác lập được
phương hướng phát triển cuộc đời mình. Họ cũng có thể dựa vào
bản lĩnh của tự thân mà gánh vác những trách nhiệm mình cần đảm
đương. “Nhi lập” ở đây là lập thân, lập gia, lập nghiệp.
Lập thân là xác lập nhân cách và sự tu dưỡng của bản thân. Điều
này bao gồm việc tu dưỡng trong tư tưởng và hàm dưỡng đạo đức,
bồi dưỡng năng lực và có thể tự lực tự cường. Trong đó sự tự
cường là cái gốc lập thân, là yêu cầu cơ bản nhất khi mỗi người
muốn đứng vững trong xã hội.
Lập nghiệp là xác lập công danh, sự nghiệp mà mình muốn theo
đuổi. Người 30 tuổi nên có nghề nghiệp vững chắc. Dẫu theo đuổi
bất kỳ công việc nào cũng cần có một năng lực nhất định. Nói
theo cách hiện đại chính là có một sở trường về kỹ năng nào đó.
Lập nghiệp là phương thức mưu sinh, là cơ sở để độc lập về kinh
tế. Đây cũng là quá trình con người ắt phải trải qua để thực
hiện giá trị nhân sinh.
Lập gia là lập gia đình. Xã hội cạnh tranh mạnh mẽ ngày nay đã
kéo dài tuổi lập gia đình của những người trẻ. Nhưng đứng từ góc
độ sinh sôi nảy nở của nhân loại mà nói thì độ tuổi này lại rất
phù hợp. Hơn nữa con người khi đến 30 tuổi sẽ hiểu rõ về hôn
nhân và trách nhiệm.
Thật ra thì 18 tuổi mới chỉ là lúc một người bắt đầu tự chịu
trách nhiệm cho bản thân trước pháp luật, chứ chưa thể gọi là đã
trưởng thành hay trải đời. Lúc đó, phần lớn mọi người mới chỉ là
những đứa trẻ rời vòng tay của gia đình, bắt đầu làm những
chuyện của người lớn, tiếp xúc với nhiều loại người, nhiều biến
cố khác nhau để hiểu thế nào là cuộc đời.
Trong khoảng thời gian từ 20 tuổi đến 30 tuổi, người ta học
những bước cơ bản nhất để làm một công việc, nhưng họ học nhiều
hơn là về cách làm người, học cách để sinh tồn giữa cuộc sống
với nhiều thủ đoạn và ngang trái, tự quan sát tất cả mọi thứ cho
đến lúc chọn cho mình được vị trí thích hợp giữa thế gian này.
Kể từ sau đoạn ấy, mới là thực sự xuất phát. Đồng thời, làm một
công việc và tìm được cho mình một con đường để đi giữa cuộc đời
là hai việc rất khác nhau.
Công việc là thứ bạn làm để kiếm tiền, dù thích hay không. Cũng
có thể bạn sẽ chỉ làm nó trong 6 tháng, còn đi đến đâu thì vẫn
chưa biết. Chỉ có một điều có thể chắc chắn là nếu như đã không
hứng thú với công việc này thì bạn cũng khó mà có thể cạnh tranh
với người khác được. Vì thế mà cuộc sống về sau cũng khó được
đảm bảo, nếu chẳng may có đợt sa thải, bạn sẽ là một trong những
người đầu tiên.
Mà ở đời thì, càng nhiều tuổi, trách nhiệm mà mỗi người phải
cáng đáng với bản thân và gia đình sẽ ngày càng lớn. Trong khi
đó, sức khoẻ của chúng ta lại ngày một yếu dần, chân tay sẽ từ
từ mà trở nên chậm chạp. Đầu óc cũng dần dần mà không còn sáng
suốt. Con người cũng trở thành một thứ lạc lõng với thời cuộc.
Khả năng làm việc của ngày hôm nay sẽ không phải là thứ tồn tại
vĩnh cửu.
Chính vì thế mà ai trong đời cũng đều phải đi tìm kiếm một thứ
bảo hiểm về cuộc sống, để sau này đến lúc già yếu, sẽ không phải
tồn tại một cách đau khổ. Nếu công việc bạn đang làm lúc này
không giúp bạn có được bảo đảm ở tương lai thì gần như là vẫn
chưa có gì cả.
Còn sự nghiệp, lại là việc mà ở đó mỗi người đã tìm được đam mê;
hoặc chí ít là nhận được đãi ngộ xứng đáng với công sức cố gắng
của mình. Trên con đường đó, bạn thấy được rằng khi cạnh tranh
với người khác thì mình có ưu thế, cũng nhờ những tháng ngày lăn
lộn từ khi còn trẻ mà cũng tự dự đoán được những trở ngại mà bản
thân sẽ phải đương đầu.
Đi trên con đường của sự nghiệp, bạn sẽ có thể nhìn trước được
rằng vài năm nữa, hoặc mười năm nữa mình sẽ trở thành một người
thế nào, có được điều gì, cống hiến được gì cho gia đình, gặt
hái được gì cho bản thân.
Tất cả những điều ấy, đều là những điều mà người ở tuổi 20 khó
mà làm hết được. Một phần cũng là vì đàn ông 20 tuổi vẫn còn quá
nhiều cái tôi, vẫn còn sống với nhiều mộng tưởng không thực tế,
cũng chưa có đủ bài học về cuộc sống để biết đối nhân xử thế
đúng cách.
Nói theo một cách khác, là khi vẫn còn chưa đủ trưởng thành để
đạt được lối sống ổn định, thì một người vẫn sẽ thường xuyên tự
phá đi những điều mà bản thân cố gắng gây dựng. Vì thế mà chưa
thể bắt đầu nghiêm túc xây dựng sự nghiệp.
Ai trong đời lúc còn trẻ cũng đã từng mong rằng 10 năm nữa mình
sẽ trở thành một thứ gì đó thật lẫy lừng.
Vậy thì, chính bạn ngày hôm nay có phải là con người mà 10 năm
trước bạn muốn trở thành không? Cảm giác của bạn khi nghĩ đến
điều ấy lúc này là thế nào?
Và 10 năm nữa, nếu còn gặp lại cảm giác ấy, liệu rằng trong
miệng sẽ có một vị đắng dù rằng hôm nay vẫn chưa uống cà phê.
P/s : Ở mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, cho dù mọi thứ có tệ như
thế nào, mỗi người đều luôn có cơ hội để lựa chọn, hoặc ít nhất
là ẩn mình, đấu tranh để chờ một cơ hội lớn tiếp theo. Tự mình
học hỏi về thế giới, tự đi con đường của chính mình, tự thân lập
nghiệp, bảo vệ cho gia đình, sống một đời đam mê…